Đục thủy tinh thể nếu để lâu ngày sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, những đối tượng dưới đây nên tầm soát thường xuyên để có thể phát hiện và điều trị kịp thời.
Những ai nên tầm soát bệnh đục thủy tinh thể?
- Người lớn tuổi: lão hóa do tuổi già là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đục thủy tinh thể, theo thống kê có hơn 80% bệnh nhân bị đục thủy tinh thể có độ tuổi từ 60 trở lên.
- Người có các bệnh lý nền như bệnh đái tháo đường, bệnh viêm màng bồ đào, tổn thương võng mạc, bệnh tim mạch và cao huyết áp.
- Người thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, ánh sáng nhân tạo có cường độ cao như đèn sân khấu, đèn quay phim, đèn cao áp.
- Người thường xuyên sử dụng các thuốc có chứa corticoid, uống rượu bia, hút thuốc lá
- Người thường xuyên tiếp xúc với xạ i-on hóa (được sử dụng trong y học để chụp X-quang, xạ trị cho các bẹnh nhân ung thư).
- Người có tiền sử chấn thương ở vùng mắt.
Những bệnh nhân có nguy cơ cao bị đục thủy tinh thể được khuyến cáo thực hiện tầm soát định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm và được tư vấn giải pháp điều trị kịp thời.
Bệnh đục thủy tinh thể nguy hiểm như thế nào?
Đục thủy tinh thể ở giai đoạn đầu có thể không gây triệu chứng gì vì chỉ một phần nhỏ của thủy tinh thể bị đục. Tuy nhiên dần dần thủy tinh thể đục ngày càng nhiều và bệnh nhân nhìn mờ hơn vì giảm ánh sáng đến võng mạc. Tình trạng đục ngày càng nặng sẽ dẫn tới tăng nhãn áp, gây vỡ bao và phản ứng viêm màng bồ đào, mắt không thể điều tiết dịch khiến người bệnh cảm thấy đau dữ dội.
Kéo dài tình trạng này có thể làm teo thần kinh mắt và rất khó để phục hồi trở lại dù có phẫu thuật. Khả năng phục hồi của bệnh nhân sẽ rất kém và thậm chí có nhiều trường hợp dẫn tới mù lòa.
Phần thủy tinh thể bị đục lâu ngày sẽ trở nên cứng hơn và dẫn tới viêm, mắt bị thoái hóa, đồng tử dính lại và rất khó khăn khi phẫu thuật. Vì thế các chuyên gia khuyên người bệnh nên mổ càng sớm càng tốt để tránh biến chứng nguy hiểm.
Cách điều trị đục thủy tinh thể phổ biến hiện nay
Đối với đục thủy tinh thể giai đoạn sớm, có thể cho đeo kính, dùng kính lúp hoặc chiếu sáng tốt khi làm việc. Nếu những biện pháp này không có tác dụng thì chỉ có phẫu thuật là cách điều trị hiệu quả nhất. Phẫu thuật sẽ lấy thủy tinh thể bị đục và đặt một thấu kính để thay thế thủy tinh thể.
Phẫu thuật được chỉ định khi đục thủy tinh thể gây giảm thị lực cản trở sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như lái xe, đọc sách hoặc xem ti vi. Bệnh nhân và bác sĩ cùng quyết định thời điểm phẫu thuật. Trong đa số trường hợp có thể trì hoãn phẫu thuật cho đến khi tư tưởng đã sẵn sàng. Nếu bạn bị đục thủy tinh thể cả hai mắt, bác sĩ cũng không phẫu thuật hai mắt cùng lúc mà mỗi mắt sẽ được phẫu thuật ở hai thời điểm khác nhau. Nếu hai mắt bị ảnh hưởng nhiều thì hai phẫu thuật có thể được tiến hành cách nhau 2 – 4 tuần.
Một số trường hợp có thể lấy thủy tinh thể khi chưa gây giảm thị lực nhưng lại cản trở việc khám và điều trị các bệnh mắt khác, chẳng hạn bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già hoặc bệnh võng mạc tiểu đường.
Nếu muốn đặt lịch khám và phẫu thuật đục thủy tinh thể tại Bệnh viện Mắt Quốc tế Việt – Nga Hải Phòng, bệnh nhân liên hệ theo hotline 0225.222.8686 để được tư vấn.